Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Sự hằn học của người cha và nỗi đau người bác sĩ

Một câu chuyện cảm động liên quan tới một vị bác sĩ có lẽ sẽ khiến cho rất nhiều người phải thay đổi cách nghĩ của họ.

Trong những ngày qua, sự việc về vị bác sĩ gác chân lên giường bệnh khi thăm khám đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ phía dân mạng.

Có rất nhiều ý kiến đã được đưa ra trên mạng xã hội, từ đó người xem cũng có cái nhìn đa chiều về chuyện gác chân hay cụ thể hơn là công việc của một bác sĩ.

Ngày hôm qua, trên mạng xã hội cũng đã lan truyền một câu chuyện ngắn nói về Y đức. Trong câu chuyện này người đọc sẽ thấy một vị bác sĩ có phần thờ ơ, chẳng mấy vội vàng trước sinh linh đang giành giật lấy sự sống.

Nhưng khi câu chuyện về tới hồi kết, người xem chắc chắn sẽ có nhận ra được một vài gì đó đáng để suy ngẫm.

Chúng tôi xin phép được trích nguyên văn câu chuyện đang thu hút được sự quan tâm này:

CÂU CHUYỆN XÚC ĐỘNG VỀ BÁC SĨ

Một bác sĩ vào bệnh viện vội vàng sau khi nhận được gọi cho một cuộc phẫu thuật khẩn cấp. Ông nhanh chóng thay trang phục và đi thẳng vào phòng phẫu thuật. Ông đã gặp cha của cậu bé sẽ được phẫu thuật đang đứng đợi. Khi nhìn thấy ông, cha cậu bé hét lên:

"Tại sao ông lại đi lâu vậy? Ông có biết rằng cuộc sống của con trai tôi đang gặp nguy hiểm không? Ông không có bất kỳ ý thức trách nhiệm nào à?"

Bác sĩ mỉm cười và nói:

-"Tôi xin lỗi, tôi không ở trong bệnh viện và tôi đã đi nhanh nhất có thể sau khi nhận được cuộc gọi. Và bây giờ, tôi muốn anh bình tĩnh lại để tôi có thể làm công việc của tôi ..."

-"Bình tĩnh thế nào được nếu là con trai của ông đang nằm trong căn phòng này, ông sẽ bình tĩnh được không? Nếu con trai của ông sắp chết ông có bình tĩnh nổi không?" - Cha cậu bé nói một cách giận dữ.

Bác sĩ mỉm cười một lần nữa và trả lời:

- "Tôi sẽ nói lại những gì trong Sách Thánh viết "Chúng ta đến từ cát bụi và sẽ trở về cát bụi, may mắn là tên của Thiên Chúa" các bác sĩ không thể kéo dài cuộc sống.

Hãy đi và cầu nguyện cho con trai của anh, chúng tôi sẽ làm những gì tốt nhất nhờ ân điển của Đức Chúa Trời".

- "Đưa ra lời khuyên khi ông không quan tâm luôn dễ dàng như vậy" - Cha cậu bé nghĩ thầm.

Ca phẫu thuật mất khoảng vài tiếng đồng hồ, sau đó các bác sĩ bước ra khỏi phòng phẫu thuật với những nụ cười rạng rỡ.

"Cám ơn Chúa, con trai của anh được được cứu!"

Không chờ đợi câu trả lời của người cha, vị bác sĩ đã chạy như bay ra thang máy và không quên nói vọng lại: "Nếu anh có bất kỳ câu hỏi nào, hãy hỏi các y tá!"

"Tại sao ông ta lại ngạo mạn thế chứ? Ông ta không thể chờ đợi một vài phút để tôi hỏi về tình trạng của con trai tôi sao?" - Cha cậu bé nói hằn học khi nhìn các y bác sĩ còn lại.

Y tá trả lời, nước mắt rớt xuống khuôn mặt của cô:

- "Con trai ông ấy qua đời hôm qua trong một tai nạn giao thông, ông ấy đang bận mai táng cho con trai khi chúng tôi gọi ông tới bệnh viện phẫu thuật cho con trai anh.

Ông ấy đã cứu được cuộc sống của con trai anh và bây giờ ông ấy lại chạy đi để hoàn thành nốt việc chôn cất con trai mình."

ĐẠO ĐỨC RẤT KHÓ ĐỂ ĐÁNH GIÁ BẤT CỨ AI... bởi vì bạn không bao giờ biết cuộc sống của họ như thế nào và những gì họ đang trải qua.
Nguồn: suckhoe.com.vn

"Không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi"

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là không được phép, là quy định cấm trong các nghị định, thông tư...

Tại buổi giao lưu trực tuyến cuối năm do báo Tuổi trẻ tổ chức, bạn đọc Phan Anh, 62 tuổi (Phanak555@...) đã đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Y tếNguyễn Thị Kim Tiến: Nhiều người nhận xét 100 Bác sĩ thì 90 người nhận phong bì nhưng chưa bị lộ. Chỉ có 1-2 người bị báo chí phanh phui là do số không may. Chuyện nhận phong bì là thói quen, bình thường và đã thành chuyện đương nhiên, phải thế. Bộ trưởng có cảm thấy nhận xét đó đúng hay không và có các giải pháp nào cụ thể và dễ mang lại hiệu quả nhất, dễ thực thi nhất để chống lại nạn phong bì trong ngành?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định:

Chuyện cán bộ y tế nhận phong bì từ tay bệnh nhân là không được phép, là quy định cấm trong các nghị định, thông tư, quy trình khám chữa bệnh, nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của ngành y tế.

Nhưng ở đâu đó, do quá tải, do chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, nên người nhà bệnh nhân mong muốn được khám trước, được khám kỹ hơn thì bệnh nhân có đưa tiền.

Theo chúng tôi quan sát thì không phải là đưa phong bì mà là đưa tiền nhét vào túi. Nhưng là điều dưởng, người thay băng. Đối với bác sỹ thì không phải dễ tiếp cận. Con số 90 bác sỹ nhận phong bì chưa có căn cứ, cần phải phải có thống kê, đánh giá.

Hiện tượng là có, nhưng cũng phải có những bệnh viện mà nếu độc giả, bạn đọc đến thì không thể đưa phong bì. Ví dụ, BV Việt Đức, BV Đại Học y dược TP.HCM, BN huyện miền núi, BV khu vục đồng bằng sông Cửu Long... Thế nên con số 90/100 người này cần phải đánh giá lại.

Đâu đó cũng có cán bộ y tế không giữ được nhân cách đạo đức của mình. Cũng cần phải nói là chế tài việc nhận phong bì chưa nghiêm. Bên cạnh đó cũng còn tâm lý của người bệnh cảm ơn bác sĩ.

Còn về giải pháp, chúng tôi đã nói, đã có đường dây nóng để bệnh nhân báo đến. Nhiều bệnh viện lớn hiện nay đã gắn camera.

Ngoài thông tư về đạo đức ngành mà Bộ sắp xây dựng thì hiện Chính phủ đã có nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (ngày 1-1-2014 sẽ có hiệu lực) nếu phát hiện sai phạm, nhận phong bì sẽ xử phạt 30 triệu đồng.

Người đưa cũng có thể bị xử phạt vì nếu không có người đưa thì cũng không có người nhận, nên các bệnh nhân cũng cần thực hiện tốt nguyên tắc này.

Ở nước ngoài, dù lương y bác sĩ cao hơn, thu nhập tốt hơn nhưng thực tế cũng vẫn chưa hết nạn phong bì.
Nguồn: suckhoe.com.vn

BV đầu tiên thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên

Chiều 29/11, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã tổ chức lễ phát động và ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên.
Chiều 29/11, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư đã tổ chức lễ phát động và ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên.

Cam kết này nhằm mục tiêu giáo dục điều dưỡng viên tự rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức của nghề điều dưỡng, đưa ra các quyết định phù hợp với chuẩn đạo đức nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chuẩn đạo đức gồm 8 tiêu chuẩn, 30 tiêu chí về những chuẩn mực đạo đức và ứng xử nghề nghiệp được coi là giá trị cốt lõi, là thước đo phẩm chất đạo đức, trách nhiệm và nghĩa vụ nghề nghiệp của mỗi điều dưỡng viên trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư hiện là cơ sở y tế đầu tiên triển khai thực hiện bộ tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp áp dụng cho hơn 300 điều dưỡng viên đang công tác tại Viện. Đây là hoạt động thực hiện theo Quyết định số 20/QĐ-HĐD do Hội Điều dưỡng Việt Nam ban hành ngày 10/9/2012 về việc thực hiện Chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên.

Lãnh đạo và điều dưỡng viên Viện HH&TM T.Ư ký cam kết thực hiện chuẩn đạo đức điều dưỡng viên. Ảnh: L.Mộc.

Biểu dương tinh thần đi tiên phong trong thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp điều dưỡng viên của Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư, ThS. Phạm Đức Mục, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam nhấn mạnh: "Hiện, cả nước có 22 cơ sở đào tạo điều dưỡng, trong đó có 2 cơ sở đào tạo điều dưỡng trình độ Thạc sĩ. Trong tương lai không xa, điều dưỡng sẽ phát triển thành một nghề chuyên nghiệp. Điều dưỡng là một nghề dịch vụ nên điều dưỡng viên cần phát huy "nụ cười". Mỗi điều dưỡng viên cần tự đánh giá mình sau 3 tháng với 4 mức "Tốt, khá, trung bình và yếu". Các lãnh đạo cũng cần phải tự đánh giá mình và phản ánh lại. Trên cơ sở để người điều dưỡng viên thay đổi, tạo niềm tin cho người bệnh...".

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư cho biết: "Viện đánh giá cao việc triển khai chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên của Hội Điều dưỡng Việt Nam. Việc thực hiện nghiêm túc, thực chất và hiệu quả chương trình này sẽ là cơ sở quan trọng để mỗi cán bộ, nhân viên y tế; đặc biệt là các điều dưỡng viên nói chung và các điều dưỡng viên của Viện ngày càng tự nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp trong công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh, rút ngắn dần khoảng cách giữa nhân viên y tế với người bệnh và người nhà bệnh nhân".

Việc công khai thực hiện chuẩn đạo đức nghề nghiệp của điều dưỡng viên sẽ tạo ra một môi trường chăm sóc thân thiện và chuyên nghiệp. Người dân, người bệnh khi tham gia vào hoạt động khám, chữa bệnh tại các bệnh viện sẽ cảm nhận được sự ân cần, tận tình và thỏa lòng hơn với dịch vụ y tế ngày càng hoàn thiện về chất lượng và đậm tính nhân văn.
Nguồn: suckhoe.com.vn

Khi viện phí và phong bì "song hành" với nhau

Đây là câu chuyện của một nữ nhà báo: Năm 2002, chị sinh con đầu lòng khi đang là một nhân viên văn phòng.

Đã hỏi "giá" vài thai phụ chung phòng với vợ nên anh chồng đưa 1 triệu đồng. Chị y tá nhắc "còn kíp gây mê?". Thấy người nhà bệnh nhân chưa hiểu, y tá giải thích: 1 triệu này đưa bác sĩ mổ đẻ 500 nghìn đồng, 500 nghìn đồng còn lại chia cho những người phụ cho bác sĩ.

Đưa thêm 200 nghìn đồng nữa, thì chị y tá cáu kỉnh: một ca 3 người, đưa 200 nghìn đồng thì chia kiểu gì, và nói rõ "giá" là 300 nghìn đồng… Lúc đó, tổng viện phí cho một ca sinh mổ chỉ vài trăm ngàn đồng. Còn hiện tại, viện phí cho một ca sinh thường có BHYT tại Hà Nội chỉ hơn 1 triệu đồng, nhưng giá "cảm ơn" cho cả ca đỡ đẻ này thì không thể dưới 2 triệu đồng.

Còn anh Minh vẫn chưa quên câu chuyện của mẹ con người phụ nữ dân tộc ở chung phòng với con anh khi điều trị bỏng. "Giá trần" phong bì để "ra mắt" bác sĩ ở viện nọ là 500 nghìn đồng.

Nhưng mẹ con người phụ nữ nọ chỉ đưa 300 nghìn đồng, vị bác sĩ trả lại bảo "mẹ con mày nghèo, bác không lấy". Nhưng cả ngày hôm sau, khi những bệnh nhân khác được bác sĩ khám vết bỏng cẩn thận, thì con chị chỉ được bác sĩ đứng bên giường ngó chứ không cầm tay quấn băng lên xem.

Cuối cùng, chị vay đủ 500 nghìn đồng nhét vào túi áo blu thì vị bác sĩ bình thản về phòng! Thế nên, nhiều người khi nghe nói tăng viện phí đều đồng tình để tăng chất lượng khám chữa bệnh, nhưng cũng đặt câu hỏi "viện phí tăng, phong bì có giảm?".

Tăng viện phí mà "nạn" phong bì không giảm, thì nhiều người ốm sẽ "sợ" đến BV! Những ví dụ như trên có nhan nhản cho thấy, trong nhiều trường hợp, chi phí "ngầm" nhiều hơn phí điều trị phải trả.
Viện phí tăng, phong bì có giảm?

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội cuối năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nếu nơi nào chứng kiến cảnh đưa "phong bì" trong y tế thì chụp ảnh, ghi lại tên y, bác sĩ hoặc cán bộ y tế đó để gửi lại cho GĐ BV và gửi cho Bộ Y tế.

Đây được cho là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng tiêu cực trong y tế. Nhưng đây cũng được coi là "nhiệm vụ bất khả thi" vì khi đang lo lắng cho người thân bệnh tật, đưa phong bì để nhờ vả thì ai còn tâm trạng đâu mà quay phim, chụp ảnh hoặc "thu thập chứng cứ" liên quan.

Vì vậy, gần nửa năm trôi qua, quyết tâm đẩy lùi nạn "phong bì" của Bộ Y tế vẫn "ì ạch". Chẳng ai "nhẫn nại" đi tìm chứng cứ cho việc đưa phong bì của mình, thế nên, chưa có trường hợp y bác sĩ nào nhận phong bì được công khai tên và chế tài xử lý, trong khi hành vi đó vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ.

Mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu từ GĐ đến trưởng, phó khoa và nhân viên các cơ sở y tế phải ký cam kết "nói không với phong bì". Người nhà bệnh nhân cũng phải ký cam kết không đưa phong bì cho bác sĩ "trước và trong khi điều trị".

Còn việc đưa phong bì sau khi khỏi bệnh lại là "vấn đề khác", được cho là "thể hiện tình cảm, sự biết ơn của họ với người thầy thuốc. Vì thế, không thể cấm họ biếu hay cấm bác sĩ nhận quà sau khi đã điều trị mà chỉ cấm nhận trước và trong điều trị".

Nhận quà sau khi người bệnh khỏi bệnh và cảm ơn bác sĩ sẽ khác hẳn với việc bác sĩ nhận phong bì thay cho một "cam kết" sẽ trách nhiệm, nhiệt tình hơn khi chữa trị cho người bệnh. Có lẽ, dẫu nghèo khó, cũng rất ít bệnh nhân và gia đình phàn nàn việc phải cảm ơn bác sĩ, nếu đó là việc họ tự nguyện làm sau khi khỏi bệnh.

Cảm ơn người đã giúp đỡ mình vốn là truyền thống tốt đẹp. Thế nhưng, ở đây "cảm ơn" lại là "điều kiện", diễn ra ngay từ khi người ta nhập viện, vì nếu không có "cảm ơn", đừng hòng mong nhận được sự quan tâm, ân cần chứ chưa nói nhiệt tình của bác sĩ.

Theo bà Nga, một cán bộ của Viện Tai-mũi-họng Trung ương đã nghỉ hưu thì sở dĩ nạn "phong bì" trong y tế xảy ra ngày càng nhiều như hiện nay có phần do người bệnh đã tạo ra "thói xấu" này cho các y, bác sĩ.

Còn phần lớn vẫn là do những quy định, chế tài chưa thực sự khắt khe và cụ thể, sự giáo dục về đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm trong công việc chưa được chú trọng. Về lâu dài, bà Nga cho rằng, nếu không có những biện pháp xử lý hữu hiệu thì nạn "phong bì" sẽ tạo ra một "rào cản" rất lớn, kìm hãm và làm suy giảm chất lượng y tế, đặc biệt là vấn đề y đức.
Nguồn: suckhoe.com.vn